Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/3/2020, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 trước đó về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
Trong đó, Điều 14 về Giá điện đối với dự án điện sinh khối có những điều chỉnh đáng chú ý. Cụ thể giá điện cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt - điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh; giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh. Giá mua điện nói trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đây là nền tảng quan trọng để Chính phủ Việt Nam thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg) đặt ra: phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW. Năm 2019, chỉ có 175 MW công suất lắp đặt của điện sinh khối được nối vào lưới điện.
Theo tìm hiểu thì các dự án nhà máy điện sinh khối chủ yếu dùng năng lượng sinh khối bao gồm: cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm… để sản xuất điện năng. Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về điện sinh khối với ưu điểm sẵn có trong thiên nhiên, không ô nhiễm, không bị cạn kiệt như vậy thì việc phát triển các dự án điện sinh khối là cần thiết. Thêm nữa, trước thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt, gây ra những tác động xấu về môi trường thì việc Thủ tướng tăng giá điện sinh khối là nhằm tạo điều kiện cho phát triển điện sinh khối, giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn điện.